Phá vỡ tư duy nền nông nghiệp đánh đổi
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, một nền nông nghiệp nếu không tính hết chi phí sẽ là một nền nông nghiệp đánh đổi.
Tuy nhiên, nhập khẩu nông lâm thủy sản; trong đó có những vật tư phục vụ sản xuất cho ngành còn tăng mạnh hơn. Điều này khiến thặng dư thương mại toàn ngành có sự giảm sút khá mạnh, với trên 20%.
Từ con số này cho thấy ngành nông nghiệp phải hướng tới sản xuất hiệu quả hơn, chi phí ít hơn, đặc biệt trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp đang tăng phi mã.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, một nền nông nghiệp nếu không tính hết chi phí sẽ là một nền nông nghiệp đánh đổi.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế; trong đó có Ngân hàng Thế giới, nền nông nghiệp Việt Nam sản lượng cao nhưng chi phí cũng cao. Một trong những chi phí cao đó là việc sử dụng nhiều nguyên liệu đầu vào như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sẽ bào mòn lợi nhuận của nông dân, làm giảm giá trị và phát thải khí nhà kính. Đây là nền nông nghiệp thiếu bền vững.
Với giá phân bón tăng từ 40 – 60%, chưa kể giá vật tư đầu vào khác cũng tăng như thời gian vừa qua sẽ là nỗi lo lớn của nông dân.
Để giảm chi phí sản xuất cũng như thực hiện tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, các địa phương tập trung ưu tiên đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất với các giải pháp như: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM và ICM), kỹ thuật tưới nước tiết kiệm cho lúa…
Một vấn đề được xem khá nhức nhối đối với vùng sản xuất lúa trọng điểm của cả nước là tình trạng sử dụng lượng giống gieo trồng còn khá cao. Có nơi vẫn còn sử dụng tới 180 kg giống/ha, thậm chí cao hơn.
Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nông dân vẫn có lý do để giữ mức gieo sạ cao như sợ ốc bươu vàng phá, giống chất lượng thấp nên tỷ lệ cây không đảm bảo, hay kỹ thuật làm đất chưa đảm bảo độ phẳng của đồng ruộng…
Nông dân huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang thu hoạch lúa vụ Hè Thu 2021. Ảnh: Thanh Sang-TTXVN
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, việc giảm khối lượng hạt giống lúa gieo sạ trên một đơn vị diện tích sẽ giúp giảm chi phí đầu tư về hạt giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật từ 2 – 3 triệu đồng/ha tùy từng vùng sản xuất.
Bên cạnh đó, việc tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận và nguyên chủng sẽ giúp năng suất và chất lượng lúa gạo hàng hóa tăng, chí phí sản xuất giảm đáng kể, mang lại lợi nhuận cao hơn cho người sản xuất và tăng lợi thế cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo xuất khẩu.
Chính nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật đồng bộ nên vụ Hè Thu 2021 dù giá vật tư tăng cao nhưng giá thành sản xuất tăng không đáng kể, khoảng 4% so với vụ Hè Thu 2020, ông Lê Thanh Tùng cho biết.
Trước tình trạng còn lạm dụng phân bón, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo, nông dân căn cứ vào tính chất cây trồng, mùa vụ để sử dụng phân bón hiệu quả nhất và theo nguyên tắc 5 đúng, tránh lãng phí. Đồng thời, nông dân nên sử dụng phân bón hữu cơ bởi loại phân này không những cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng mà còn bảo vệ hệ sinh thái đất.
Ông Hoàng Trung cũng cho biết, với việc giá phân bón không ngừng leo thang thì việc sử dụng phân bón hữu cơ cần phát huy và sử dụng nhiều hơn trong thời gian tới. Vì Việt Nam có nguồn phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản để sản xuất phân bón hữu cơ rất phong phú.
Nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón hữu cơ lên đến trên 200 triệu tấn mỗi năm. Nếu tận dụng tốt nguồn phụ phẩm này sẽ một phần thay thế được phân bón vô cơ, đồng thời tạo dựng một nền nông nghiệp bền vững, tuần hoàn, thân thiện với môi trường.
Trước những tồn tại việc sử dụng nhiều vật tư đầu vào của nông dân, ông Lê Quốc Thanh cho rằng, có thể do một bộ phận nông dân không có vốn, hoặc chưa biết các gói giải pháp kỹ thuật nên vẫn sản xuất theo thói quen.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ hướng tới những vùng đó để hiểu sâu sắc hơn tình hình sản xuất, từ đó đưa các mô hình tới làm thay đổi thói quen của những đối tượng này.
Trung tâm sẽ tiếp cận mang tính tổng thể hơn với các gói kỹ thuật, giải pháp đồng bộ hơn, đồng thời thông tin đến nông dân vùng sâu, vùng xa nắm bắt được giải pháp này.
Hay việc giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh vừa qua cũng đòi hỏi các thành viên của Hợp tác xã chăn nuôi gà Lạc Thủy – Hòa Bình phải tìm cách giảm chi phí thấp nhất có thể.
Ông Bùi Đông Giang, Chủ tịch Hợp tác xã cho biết, người chăn nuôi phải áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để giảm nhân công, giảm tiêu tốn thức ăn.
Chẳng hạn với việc áp dụng khoa học công nghệ trong cho ăn tự động đã giảm nhân công khá nhiều, hay bổ sung nguồn thức ăn tự phối trộn như ngô với men vi sinh để giảm thức ăn công nghiệp.
Khi nguyên liệu thức ăn chăn nuôi Việt Nam có tới 60% phải nhập khẩu, thậm chí nhiều nguyên liệu trong nước không tự sản xuất được như DDGS (bã rượu khô) thì sẽ phải phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi Việt Nam có thế mạnh là cho gia súc ăn cỏ. Tổng sản phẩm nguồn nguyên liệu khoảng 120 triệu tấn; trong đó 90 triệu tấn có thể thu gom, chế biến cho gia súc ăn cỏ. Tuy nhiên, để tận dụng được nguyên liệu này phải sử dụng kết hợp với các chế phẩm vi sinh, ủ chua… để bảo quản.
Theo ông Tống Xuân Chinh, khi chăn nuôi công nghiệp phát triển thì chăn nuôi nông hộ rất khó cạnh tranh về giá thành sản xuất. Nông dân cần có sự chuyển đổi phù hợp sang các loại vật nuôi khác như: gia súc ăn cỏ, lợn đặc sản, thỏ, dê… đặc biệt là chuyển đổi mạnh cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây thức ăn trong chăn nuôi như: ngô sinh khối, cỏ.
Cục Chăn nuôi và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ hướng dẫn bà con cách dự trữ thức ăn cho gia súc, nhất là trong mùa đông.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, sản xuất không chỉ gia tăng sản lượng mà còn phải tính đầy đủ chi phí, kể cả chi phí môi trường, chi phí làm biến dạng đa dạng sinh học và mất cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.
Ngành nông nghiệp phải thay đổi, phát triển dựa trên bền vững. Giá trị nông nghiệp bền vững không phải làm chậm đà phát triển mà chuẩn bị cho sự phát triển./.
Bích Hồng/BNEWS/TTXVN