Cần một tầm nhìn mới về nông nghiệp đô thị
Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ đã và đang đặt ra nhiều vấn đề mới với thành phố Hà Nội. Xây dựng nền nông nghiệp đô thị phù hợp với điều kiện đất đai, thị trường và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới của Thủ đô có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm tạo động lực nội tại hướng đến sự phát triển bền vững. Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, cần một tầm nhìn mới về nông nghiệp đô thị Hà Nội…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền thăm mô hình sản xuất rau an toàn tại Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ (huyện Hoài Đức). Ảnh: Quang Thái
Xu hướng phát triển tất yếu
– Quá trình đô thị hóa ở Hà Nội đã và đang diễn ra trên diện rộng, các yếu tố kinh tế đô thị làm động lực cho đô thị hóa còn nhiều khó khăn thì nông nghiệp đô thị phải thực sự là một động lực nội tại thúc đẩy sự phát triển bền vững của Thủ đô… Đồng chí nhận định thế nào về ý kiến này?
– Quá trình đô thị hóa của Hà Nội nói riêng cũng như các thành phố lớn ở Việt Nam nói chung đang diễn ra trên diện rộng, các yếu tố kinh tế đô thị có vai trò động lực cho đô thị hóa phát triển chưa tương xứng. Nói cách khác, chúng ta đang phát triển đô thị theo chiều rộng mà chưa chú trọng vào chiều sâu. Do vậy, phát triển các loại hình kinh tế đô thị nói chung, nông nghiệp đô thị nói riêng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây thật sự là một động lực nội tại thúc đẩy sự phát triển bền vững của thành phố.
Với việc phát triển nông nghiệp đô thị, Hà Nội không chỉ giải quyết được bài toán đưa công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất, gia tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi trong bối cảnh quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp mà còn có thể phát triển các mô hình nông nghiệp chuyên biệt để cung ứng dịch vụ cho đô thị như: Cây xanh, thực phẩm an toàn cho khách sạn, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng…
Nông nghiệp đô thị có chức năng môi trường, điều hòa không khí, do vậy phải phát triển nông nghiệp hữu cơ – tuần hoàn; nông nghiệp tạo ra hệ thống cảnh quan như hệ thống cây xanh, công viên, các vành đai xanh ven đô, ao hồ điều hòa… Những sản phẩm nông nghiệp đô thị này không chỉ làm mới không gian đô thị mà còn góp phần cải thiện môi trường sống cho cộng đồng cư dân, thúc đẩy phát triển “đô thị sinh thái”, “đô thị xanh”… Đây là xu hướng phát triển tất yếu và cũng là mục tiêu mà thành phố hướng tới.
Nông nghiệp đô thị không chỉ bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô trong bối cảnh đô thị hóa dưới tác động của biến đổi khí hậu mà còn tham gia giải quyết nhiều vấn đề trong tiến trình đô thị hóa. Mặt khác, đây chính là nguồn lực nội tại, là động lực và cũng là hướng phát triển tất yếu của nông nghiệp Hà Nội.
– Đồng chí có thể cho biết thêm về những lợi thế riêng có của Hà Nội trong phát triển và làm phong phú cho nông nghiệp đô thị?
– Có thể nói, Hà Nội đã có một nền nông nghiệp đô thị từ khá sớm, phục vụ nhu cầu của người Kẻ Chợ – Kinh kỳ. Cùng với tiến trình phát triển của Thủ đô, nhiều sản phẩm, nhiều làng nghề được hình thành. Những không gian làng nghề như một phần tất yếu của Thăng Long – Xứ Đoài và cùng những mô hình nông nghiệp công nghệ cao đang mở ra hướng phát triển mới của nông nghiệp Thủ đô, gắn nông nghiệp với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.
Mặt khác, không chỉ là một thị trường lớn với hơn 10 triệu dân, Hà Nội còn là chỗ “đứng chân” của nhiều cơ quan nghiên cứu về nông nghiệp nên có lợi thế trong việc thu hút nguồn lực “chất xám” và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, Hà Nội có nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến nông sản, hệ thống chợ đầu mối, siêu thị, cửa hàng tiện ích… nên rất thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, vừa là nơi trung chuyển hàng hóa sản phẩm nông nghiệp ra cả nước và xuất khẩu.
Tựu trung, Hà Nội là địa bàn vừa sản xuất, vừa là thị trường tiêu thụ lớn và có rất nhiều lợi thế để phát triển, làm phong phú cho nông nghiệp đô thị.
Tư duy quản lý, định hướng phát triển đúng tầm
– Nhiều thành phố lớn như: Mátxcơva (Nga), Bắc Kinh (Trung Quốc), La Habana (Cuba)… từ lâu đã chú trọng và thu được nhiều thành công từ nông nghiệp đô thị. Với Hà Nội, chúng ta sẽ phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng nào, thưa đồng chí?
– Mỗi thành phố trên thế giới đều ẩn chứa trong đó những nét khu biệt về điều kiện địa lý, trình độ canh tác, năng lực ứng dụng khoa học công nghệ… Các thành phố có những ý tưởng khác nhau về phát triển nông nghiệp đô thị và đã gặt hái được không ít thành công đáng ghi nhận. Đặc biệt, nông nghiệp đô thị của La Habana (Cuba) đã cung cấp tới 90% thực phẩm tươi sống cho cư dân thành phố này.
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định Hà Nội hướng đến xây dựng đô thị xanh – văn hiến – văn minh – hiện đại. Để làm được điều đó, cần có một tầm nhìn mới, tư duy mới trong việc tổ chức nông nghiệp đô thị và những giải pháp hết sức căn cơ, bài bản. Trước hết, chúng ta phải thúc đẩy nghiên cứu, xây dựng quy hoạch – từ quy hoạch tổng thể đến quy hoạch chi tiết, các khu vực có hoạt động nông nghiệp đô thị theo hướng phát triển đô thị xanh, thông minh. Quy hoạch cần hài hòa với các quy hoạch khác để trở thành đô thị sinh thái, nơi đáng sống.
Ở đây cũng phải nói thêm, nếu không có tư duy quản lý và định hướng phát triển nông nghiệp đô thị đúng tầm thì chúng ta chỉ có những mảnh ghép. Và như thế, người nông dân sẽ loay hoay bên thửa ruộng của mình; nhà khoa học sẽ ấp ủ mãi kết quả nghiên cứu và nhà quản lý luôn có lỗi với người nông dân vì không đưa ra được lời giải cho “bài toán” nông nghiệp đô thị.
– Vậy, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ triển khai những giải pháp cụ thể gì, thưa đồng chí?
– Mục tiêu chung để phát triển nông nghiệp đô thị là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.
Để phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng phát triển bền vững, thời gian tới, chúng ta cần quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, cần tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nghiên cứu và quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất giống, cây trồng, vật nuôi chủ yếu; công khai phổ biến các quy hoạch dựa trên cơ sở khoa học về phát triển sản xuất nông nghiệp đến các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân để các chủ thể yên tâm đầu tư.
Mặt khác, bổ sung chính sách khuyến khích chuyển dịch nông nghiệp đô thị; hỗ trợ các nhóm sản phẩm chủ lực; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, con chất lượng; xây dựng chính sách phát triển dịch vụ logistics đô thị trong điều kiện xây dựng thành phố thông minh; tăng cường hợp tác liên kết kinh tế vùng và toàn quốc.
Đặc biệt, cần triển khai các dự án cụ thể để phát triển được nông nghiệp đô thị gồm nông nghiệp ven đô và trong nội đô. Khai thác hiệu quả hệ thống sông, hồ thủy lợi để có đủ nước sạch phục vụ sản xuất nông nghiệp đô thị, điều hòa khí hậu… Với các khu chung cư cao tầng cần có giải pháp về nông nghiệp như đề nghị chủ đầu tư cần có đủ diện tích trồng cây xanh, hoa cây cảnh, dự án nông nghiệp trên sân thượng.
Ngoài ra, cần tập trung tuyên truyền để người dân hiểu hơn về đô thị hiện đại gắn với nông nghiệp công nghệ cao, nông thôn mới; đồng thời chú trọng xây dựng, hạ tầng phục vụ nông nghiệp.
Phát triển nông nghiệp đô thị là xu thế của nhiều thành phố trên thế giới, chúng ta có cách nhìn nhận mới về nông nghiệp đô thị trong tiến trình phát triển của Thăng Long – Hà Nội để thúc đẩy các giải pháp phát triển.
– Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Minh Huyền